Trước tình hình cá mú tồn đọng lớn, một siêu thị lớn tại TP Nha Trang đã mở chiến dịch "giải cứu cá mú Cam Ranh" với giá 159.900 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 so với trước. Theo quản lý siêu thị này, mỗi đợt nhập hàng về khoảng 150 con cá mú, mỗi con nặng từ 1,5 – 3kg. Cá mú được nhân viên siêu thị về tận bè ở Cam Ranh kiểm tra và nhập hàng khi còn tươi sống. Tuy nhiên, do sức mua khá chậm nên mỗi đợt nhập hàng bán khoảng 2-3 ngày mới hết.
"Trước đây loại cá này chỉ bán cho nhà hàng hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc nên giá cao, siêu thị không bán. Bây giờ do Cam Ranh tồn đọng quá nhiều nên siêu thị tổ chức "giải cứu" nhằm san sẻ khó khăn cho người nuôi"- người quản lý cho biết.
Cả ngàn tấn cá mú bí đầu ra, giá giảm một nửa vẫn khó giải cứu - Ảnh 1.
Cả ngàn tấn cá mú bí đầu ra, giá giảm một nửa vẫn khó giải cứu - Ảnh 2.
Cá mú Cam Ranh đang được một siêu thị ở TP Nha Trang bán theo dạng "giải cứu.
Theo ông Lê Minh Hải, trưởng Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, trên địa bàn lượng cá mú (chủ yếu là cá mú trân châu) thương phẩm đang tồn đọng rất nhiều tại các vùng nuôi, với hơn 1.000 tấn khiến giá giảm mạnh, chỉ còn 100.000 – 110.000 đồng/kg. Trước đây, các vựa hải sản ở Cam Ranh chủ yếu xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng thời gian qua Trung Quốc đã đóng cửa đường này. Riêng đường chính ngạch phải đi kèm nhiều vấn đề khác, cũng như ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên rất khó xuất khẩu.
Cả ngàn tấn cá mú bí đầu ra, giá giảm một nửa vẫn khó giải cứu - Ảnh 3.
Cả ngàn tấn cá mú bí đầu ra, giá giảm một nửa vẫn khó giải cứu - Ảnh 4.
Dù giá bán chỉ bằng 1/2 so với trước nhưng cá mú không được tiêu thụ nhiều như những loại nông sản khác.
Theo ông Hải, TP Cam Ranh có khoảng 120ha đìa nuôi cá mú chủ yếu là cá mú trân châu, mỗi ha nếu đạt sản lượng thấp cũng khoảng 80 tấn cá nên con số 1.000 tấn chỉ là tương đối, số lượng thực có thể nhiều hơn. Nếu năm 2019, giá cá mú thương phẩm dao động từ 160.000-200.000 đồng/kg (giá sỉ), khi dịch bệnh bùng phát giá cá giảm mạnh còn khoảng 90.000 – 110.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Theo người dân TP Cam Ranh, gần đây thương lái rất hạn chế thu mua cá mú mà cách một thời gian mới mua vài tạ cho đến 1 tấn để tiêu thụ thị trường trong nước như Nha Trang, TP HCM... Ông Đoàn Văn Hoàng, một người nuôi cá mú ở Ba Ngòi – TP Cam Ranh, cho biết hiện nay các hộ nuôi cá phải giảm tầng suất cho ăn vì sợ cá quá cỡ, rớt giá. "Cá mú có trọng lượng cao hơn 1-3 kg rất khó bán nên giá càng thấp. Với giá 90.000 -110.000 đồng/kg, người nuôi cá có thể huề vốn, lỗ công nhưng hiện nay không thể xuất bán được" - ông Hoàng thông tin.
Tại TP HCM, cá mú được xem là loại hải sản cao cấp, chủ yếu bán ở các kênh nhà hàng, tiệc cưới. Tuy nhiên, hiện nay lượng tiêu thụ đã giảm đáng kể. Một số vựa hải sản phải treo bảng "giải cứu" để dễ bán hàng; đồng thời cũng để hỗ trợ người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Như hệ thống Hải sản Hoàng Gia gồm 6 cửa hàng chuyên hải sản cao cấp từ đầu tháng 9 đã thực hiện chương trình "Chung tay hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19". Theo đó, cá mú trân châu được bán theo dạng "giải cứu" với giá 159.000 đồng/kg khi khách hàng mua tại cửa hàng và 167.000 đồng/kg khi đặt mua online, trọng lượng mỗi con khoảng 1 kg và đều là cá sống, đang bơi trong hồ.
Chị Trần Thị Yến (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho hay cá mú là loại hải sản cao cấp, vào nhà hàng hạng trung giá ít nhất cũng 600.000 đồng/kg sau chế biến nên nay thấy cá sống rẻ, chị tranh thủ mua về làm tiệc trong gia đình. "Chưa bao giờ cá mú còn sống mà rẻ như bây giờ, tính ra còn rẻ hơn những loại cá biển phổ biến như: cá hố, cá thu hay cá ngừ. Cá này chế biến cũng không quá khó, có thể hấp, sốt chua ngọt, nấu canh,…" – chị Yến hồ hởi.
Cả ngàn tấn cá mú bí đầu ra, giá giảm một nửa vẫn khó giải cứu - Ảnh 5.
Một cửa hàng hải sản ở TP HCM bán cá mú theo dạng "giải cứu"
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế hải sản Hoàng Gia (chủ hệ thống hải sản Hoàng Gia), do bán giá "giải cứu", hệ thống tiêu thụ khá nhiều, đạt khoảng 10 tấn tính từ đầu tháng 9 đến nay. "Người nuôi lỗ nhiều, chúng tôi cố gắng đẩy sản lượng tiêu thụ vì nếu họ bỏ nghề, sau này chúng tôi sẽ mất nguồn cung. Để cá mú đến tay người tiêu dùng còn sống, chi phí để vận chuyển và bảo quản rất lớn nên dù giá có chênh lệch so với người nuôi bán ra nhưng chúng tôi hoàn toàn không có lãi, đúng nghĩa là "giải cứu". So với thời điểm giá cá mú chạm đáy, hiện nay đã tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg nên chúng tôi dự kiến sẽ kết thúc chương trình "giải cứu" trong khoảng 1 tuần nữa.